Đó là mục tiêu của Chương trình hợp tác bảo vệ môi trường và thu gom rác thải nhựa do Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Trashpackers Foundation tổ chức vào sáng ngày 11 năm 2019 tại Trường THCS Thới An Đông, Đường Nguyễn Chí Thanh, phường Thới An Đông, Q. Bình Thủy.
Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

Ông Tijmen Sissing - Người sáng lập tổ chức Trashpackers Foundation chia sẻ về ý nghĩa của việc nhặt rác và không sử dụng các sản phẩm từ nhựa
Tham gia chương trình, ông Tijmen Sissing - Người sáng lập tổ chức Trashpackers Foundation chia sẻ: “Tôi rất thích đi du lịch, nhưng tôi đã bị sốc khi thấy các bãi biển đầy rác. Vì vậy, tôi đã tiến hành nhặt rác. Lúc đầu có người tò mò, nhưng sau đó có người tham gia nhặt rác cùng tôi, có người còn chia sẻ hình ảnh tôi tham gia nhặt rác lên mạng xã hội. Việc nhặt rác của tôi đã truyền cảm hứng cho mọi người. Tôi thành lập Trashpackers Foundation và đến nay đã tổ chức nhặt rác ở 52 quốc gia”.
Tại thành phố Cần Thơ, hoạt động nhặt rác và vệ sinh môi trường được các tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên, đối tượng tham gia nhặt rác đa phần là đoàn viên thanh niên, chưa huy động được đông đảo người dân tham gia. Các địa điểm được vệ sinh, làm sạch một thời gian sau đó lại trở về hiện trạng như cũ. Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội sinh viên thành phố luôn tìm giải pháp để các hoạt động được tổ chức chuyên nghiệp và tạo sự chuyển biến trong cộng đồng. Từ đó nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường.

Đ/c Huỳnh Thái Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Cần Thơ cảm ơn ông Tijmen Sissing
Tham gia Chương trình hợp tác bảo vệ môi trường và thu gom rác thải nhựa các bạn đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên được tìm hiểu về tác động của rác thải, trong đó có rác thải nhựa đối với môi trường sống của con người. Sau đó, các bạn tích cực tham gia nhặt rác trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy.
Đồng chí Huỳnh Thái Nguyên – Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Cần Thơ cho biết: “Thông qua chương trình này muốn tiếp tục truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Sau đó, sẽ có dự án cụ thể để phát huy tinh thần tình nguyện của thanh niên và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.”
Hướng đến không rác thải nhựa
Loại rác thải để lại hậu quả lâu dài nhất chính là nhựa, vì chúng rất khó phân hủy nhưng lại dễ sản xuất. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi phút, trên thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa trong khi mỗi năm có tới 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được vứt ra môi trường. Phân nửa số nhựa chúng ta dùng hàng ngày cũng là loại sản phẩm dùng một lần, từ tã trẻ em, túi đựng đồ tới ống hút hay những sản phẩm thông dụng khác như bao bì sản phẩm…

Đ/c Huỳnh Thái Nguyên tặng "Cá bống ăn chai nhựa" cho Trường THCS Thới An Đông

Các em học sinh tích cực tham gia nhặt rác và vui với "chiến tích" của mình
Đã có nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Đặc biệt là các sản phẩm sử dụng một lần. Nhưng vẫn chưa có sự đồng bộ. Vì vậy, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành, các đoàn thể và toàn xã hội trong việc thực hiện bảo là rất quan trọng.
Việc bảo vệ môi trường xuất phát từ những việc làm rất đơn giản trong cuộc sống của mỗi người như: hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa; chủ động tìm hiểu chia sẻ để người thân, gia đình, bạn bè, người xung quanh về tác hại của rác thải nhựa, sự ảnh hướng của chúng đối với sức khỏe con người, đối với môi trường sống, đối với tự nhiên…
Đồng chí Huỳnh Thái Nguyên – Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Cần Thơ cho biết: Sắp tới, Thành đoàn và Hội Liên hiệp, Hội sinh viên thành phố sẽ nhân rộng các mô hình trường học không rác thải nhựa. Đồng thời, cũng xây dựng các mô hình không rác thải nhựa tại các cơ quan, doanh nghiệp… Từ đó, tạo nên sự đồng bộ trong việc bảo vệ môi trường và nói không với rác thải nhựa.
Bài, ảnh: Bé Như