Bác Hồ bắt nhịp bài ca "Kết đoàn". Ảnh: LÂM HỒNG LONG
Lời dạy của Bác cách đây 65 năm vẫn mang ý nghĩa và giá trị thực tiễn, cho hôm nay và chắc chắn còn lâu dài. Bởi vì nội dung bài báo “Dân vận” của Người mở rộng ra là sự vận động không ngừng của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới, của công cuộc xây dựng đất nước giàu, mạnh, nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc.
Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu thực hiện “nói đi đôi với làm”. Để gần dân, được dân tin yêu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đến bất kỳ nơi đâu, Người cũng làm công tác vận động quần chúng nhân dân một cách triệt để, bằng lời nói thiết thực và hành động cụ thể. Từ việc nhỏ như vận động tăng gia sản xuất, giữ gìn vệ sinh, kính trọng người già, thương yêu trẻ nhỏ... đến những việc lớn như tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng (cần-kiệm-liêm-chính, chí công-vô tư) hay hoạch định đường lối, chính sách... Người đều xuất phát từ lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Bác lội ruộng cùng nông dân, cùng nông dân tát nước. Bác biếu lụa người già, tặng quà trẻ nhỏ. Bác vào hầm lò, Bác vào xưởng máy thăm công nhân. Bác ra trận địa động viên bộ đội. Bác “khéo” dân vận, nên các tầng lớp nhân dân tin yêu Bác, đi theo con đường Bác vạch ra và giành thắng lợi. Bác “khéo” dân vận và “khéo” lôi cuốn những người khác làm tốt dân vận, vì vậy đạt được thành quả to lớn trong từng giai đoạn cách mạng.
Ngay từ ngày thành lập, Quân đội của nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục và rèn luyện. Trên bước đường chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Cụ Hồ đã “khéo” thực hành dân vận, được nhân dân đùm bọc, chở che và cùng nhân dân lập nên những chiến công hiển hách. “Đi dân nhớ, ở dân thương” trở thành đạo đức và tác phong của người chiến sĩ cách mạng.
Lời Bác dạy: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” đã thành chân lý. Bác dùng “kém” và “khéo”, chứ không dùng những tính từ "đại ngôn". “Kém” thường dẫn đến rối ren, ách tắc. Chẳng hạn như cải cách thủ tục hành chính là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu của đổi mới. Song, những người thi hành chưa quán triệt đầy đủ mục tiêu và biện pháp, nên nhiều nơi bị nhân dân kêu “hành là chính”. Việc đền bù giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm quốc gia cũng thường kéo dài, dây dưa, vì những người thi hành chưa thực sự vì lợi ích chung, “nắn” thẳng thành cong. Tiền, hàng cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa… đôi khi cũng bị xà xẻo. Và, còn nhiều cái “kém” nữa...
Theo quan điểm của Bác Hồ, làm dân vận “là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được” và “bất kỳ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Bác chỉ ra cái “khéo” trong công tác dân vận: “Những người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”.
Trong khuôn khổ một bài báo ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên đầy đủ, khúc chiết nội dung, mục đích, phương pháp, biện pháp để thực hành vấn đề dân vận. Bài viết chính là Di huấn của Người về công tác dân vận mà các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ... cần quán triệt và thực hành trong công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào cách mạng ở mọi thời kỳ. Đặc biệt trong hoàn cảnh, điều kiện phát triển kinh tế và xã hội của đất nước ngày nay./.
Nhà văn Cao Ngọc Thắng
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)