Nửa năm qua, trên 10 ca bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được Đức “gieo duyên” đến các bệnh viện để chữa trị. Thậm chí nhiều ca, Đức phải trực tiếp chăm sóc bệnh nhân như người nhà.
Xung quanh câu chuyện về chàng sinh viên chạy xe ôm mang một chiếc ba lô đã rách gần hết với câu nói: “Có 4.000 đồng em cũng không giàu thêm được” ngoài việc cộng đồng mạng bấm like rần rần thì các chuyên gia cũng nhận định đây là nghĩa cử cao đẹp.
Cổ tích giữa đời thường
Ai cũng không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một chàng trai khuyết tật đi xe lăn đưa bạn nằm liệt giường vào nhập viện. “Tôi cứ nghĩ họ là anh em, nhưng nếu là anh em thì gia đình tụi nhỏ thật tội nghiệp vì cả 2 anh em đều tật nguyền. Hóa ra không phải, tụi nhỏ hoàn toàn xa lạ và chỉ quen nhau trước khi vào viện 2 ngày”, chị Nguyễn Thị Hải (đi chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) chia sẻ khi chúng tôi hỏi về Đức và Linh.
Quen nhau vỏn vẹn 2 ngày, đến ngày thứ 3 Đức quyết định đưa bạn đi chữa bệnh. Kể về câu chuyện cổ tích giữa đời thường này, Đức chỉ nhớ khi nhìn thấy Linh nằm liệt giường với vết loét rất nặng và một ngày sốt 3 - 4 lần, Đức đã hỏi: “Bạn có muốn đi chữa bệnh không?”, Linh gật đầu. Thế là anh chàng đi xe lăn này không chần chừ gì nữa.
Đức viết bài về hoàn cảnh của Linh và đăng trên mạng xã hội để nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Đây cũng là cách Đức đã làm để giúp đỡ những trường hợp thương tâm trước đó.
Tuy nhiên, do gia cảnh của Linh vô cùng ngặt nghèo, mẹ tai biến nằm một chỗ, lúc tỉnh lúc mê, còn bố Linh thì bị ung thư giai đoạn cuối nên gia đình chẳng có ai đi theo chăm sóc, vì vậy Đức đã phải nhận luôn phần việc lẽ ra của người thân Linh.
23 giờ đêm sau 3 ngày quen biết nhau, Đức đón xe đưa Linh từ Đức Trọng, Lâm Đồng xuống TP.HCM. Hành lý đùm đề, lại lo thủ tục nhập viện cho Linh trong khi việc tiểu tiện Đức cũng không kiểm soát được nên những ngày đầu xuống bệnh viện là những ngày không muốn nhớ đến của 2 chàng trai này.
“Ngồi nguyên đêm trên xe, xuống đến nơi thì lo việc nhập viện nên mình không có thời gian để ý đến bản thân. Lúc đấy mình tiểu ướt hết cả người nên rất hôi hám nhưng cũng đành chấp nhận để lo cho bạn. Giờ nhắc đến mình cũng thấy hãi hùng”, Đức nhớ lại.
Hơn cả người nhà
Chứng kiến từ những ngày đầu 2 chàng trai này mới nhập viện, anh Nguyễn Xuân Hùng (bệnh nhân) không giấu được xúc động khi nhắc đến nghĩa cử cao đẹp của Đức: “Đức chăm Linh còn hơn cả người nhà. Một người lành lặn chưa chắc đã làm được, đừng nói gì đến một người tật nguyền như Đức. Tôi sống nửa đời người, nằm viện cũng đã lâu rồi nhưng đây là lần đầu được chứng kiến một trường hợp hiếm hoi như thế này”.
Không thân thuộc, không máu mủ nhưng chỉ bằng 3 chữ đồng cảnh ngộ mà Đức có thể hằng ngày, hằng giờ ngồi túc trực, làm vệ sinh, lau mồ hôi rồi lo cơm ăn, nước uống cho Linh.
Chúng tôi tỏ vẻ e ngại khi Đức nhắc đến chuyện làm vệ sinh cho Linh, nhưng Đức chỉ gọn nhẹ: “Lúc đấy mình nghĩ như đang làm cho chính bản thân mình nên chẳng thấy ngại ngần gì hết”.
Linh tâm sự: “Nhìn thấy Đức vất vả vì em mà em không cầm lòng được, chưa bao giờ em dám nghĩ một người hoàn toàn xa lạ lại có thể hy sinh tất cả để chăm sóc em như vậy. Với em bây giờ, Đức không chỉ là bạn mà còn là người thân duy nhất của em ở Sài Gòn này. Chính Đức đã cho em động lực để lạc quan hơn và vượt qua bệnh tật”.
Vì mình đã từng như vậy
Chứng kiến câu chuyện cổ tích giữa đời thường như vậy, không ai không thán phục. Thế nhưng với Đức: “Mình cũng từng đau khổ, đau buồn nhiều nên rất thấu hiểu. Ai bệnh tật cũng khổ đau cả. Khuyết tật bẩm sinh thì tâm lý sẽ ổn hơn so với những người đang lành lặn nhưng đùng một cái trở nên tật nguyền như mình và Linh. Vì thế, việc giúp đỡ Linh cũng như giúp chính mình”.
Đức mất bố từ năm 2 tuổi, một mình mẹ nuôi 2 chị em ăn học. Đến năm 2015, trong lúc đang lắp nhà kính thuê thì Đức té từ trên cao xuống, gãy cột sống, dập tủy và mất cảm giác hoàn toàn 2 chân. Từ đó, Đức trở thành người tật nguyền.
Sốc nặng vì số phận nghiệt ngã, một thời gian dài Đức tự kỷ với cái giường và không hề ra khỏi phòng, nhiều lần nhịn ăn để nghĩ đến cái chết. Nhưng trong những lần đi chạy chữa khắp nơi, chứng kiến những hoàn cảnh tật nguyền như mình mà không cha, không mẹ, thậm chí miếng ăn cũng không có, Đức nhận thấy mình may mắn hơn rất nhiều người, thế là suy nghĩ bắt đầu thay đổi.
Một lần tình cờ nhìn thấy một trường hợp vô gia cư vì đói quá nên xỉu giữa đường, Đức đã tình nguyện đưa đi bệnh viện. Cứu được trường hợp đó, Đức nhận ra mình còn có thể làm được nhiều việc. Suy nghĩ “tàn nhưng không phế” đã thôi thúc Đức lang thang khắp nơi tìm những hoàn cảnh đồng cảnh ngộ như mình trước đây nhưng không có điều kiện chữa trị để đưa đi cứu chữa.
Từ đó Đức là trung gian, là cầu nối của những ca bệnh đang cần sự giúp đỡ với các nhà hảo tâm. Nửa năm qua, Đức vẫn âm thầm và giúp được trên 10 ca bệnh. Hôm chúng tôi lên nhà, Đức cũng đang lo sắp xếp hành lý đưa một ca bệnh mới xuống TP.HCM chữa trị, để tiện vừa chăm Linh vừa giúp được ca bệnh mới này.
Nhìn thấy con chưa lo được chu toàn cho bản thân giờ lại chăm sóc thêm người khác, mẹ Đức cũng xót lắm. Nhưng “từ ngày Đức làm những việc giúp đỡ cho bạn bè đồng cảnh ngộ, tôi thấy con yêu đời và lạc quan hơn rất nhiều. Cuộc sống của tôi bây giờ chỉ cần nhìn thấy con vui sống là an lòng rồi. Vì vậy tôi luôn ủng hộ hết mình để con làm được những điều có ý nghĩa cho xã hội và cho chính bản thân con tôi”, mẹ Đức trải lòng.
Giờ đây vào phòng số 8, Khoa Phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, tiếng nói cười cứ rôm rả làm tan đi bầu không khí vốn dĩ nặng nề của phòng bệnh. Đức cứ huyên thuyên với Linh đủ chuyện. Bắt gặp không khí này mới nhớ lại câu nói tâm đắc của Đức lúc chúng tôi phỏng vấn: “Bản thân bị tật nguyền, không giúp được về vật chất nhưng mình sẽ giúp về tinh thần. Luôn ở bên cạnh để trao cho bạn những nụ cười, giúp nhau vượt qua bệnh tật và bi quan trong cuộc sống”.