Một hoạt động thiết thực của Đoàn. Ảnh: NVCC
Gieo những hạt mầm nhân văn từ hoạt động thiện nguyện
Hầu hết các thủ lĩnh Đoàn bắt đầu những ý tưởng, dự án cộng đồng đầu tiên từ hoạt động trong nhà trường. Với đoàn viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TPHCM), các bạn cùng nhau tham gia các hoạt động như chăm sóc, phát quà cho trẻ em cơ nhỡ và người già neo đơn ở chùa Từ Hạnh, tổ chức lớp học tình thương và chúc Tết trong mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Thanh Ngân (trường THPT Vĩnh Bình, Tiền Giang) cho biết đoàn viên trường mình thống nhất định kỳ một tháng một lần sẽ dọn vệ sinh tại các kênh rạch ở một số xã thuộc địa bàn huyện Gò Công Tây, trồng hoa trên các tuyến đường của huyện. Bên cạnh đó, Đoàn trường còn chú trọng nâng cao tinh thần tình nguyện cho học sinh tiểu học trên địa bàn như tổ chức Ngày hội rác thải. Thông qua ngày hội, các em nhỏ sẽ được phổ biến các kiến thức cơ bản về rác thải, làm sao để tái chế nhựa và cùng nhau thu gom rác trên địa bàn sinh sống.
Các Đoàn trường tại TPHCM hằng năm đều phát động hai hoạt động lớn là Xuân tình nguyện và Chiến dịch Hoa Phượng Đỏ. Từng có cơ hội đồng hành với Đoàn khoa Báo chí trong hoạt động Xuân tình nguyện 2022, Trần Nguyễn Phi Vân (sinh viên trường ĐH KHXH&NV) cho biết, đây cũng là lần đầu tiên bạn tự mình gây quỹ. Theo đó, các chiến sĩ trước khi đến địa bàn xã Phú Hoà Đông hỗ trợ các em nhỏ thì phải trải qua giai đoạn gây quỹ bằng nhiều hình thức.
Phi Vân chia sẻ, để có được trọn vẹn hai ngày hoạt động hỗ trợ địa phương mùa Tết, các chiến sĩ Xuân tình nguyện đã phải chuẩn bị trước đó hơn một tháng. Trong quá trình hoạt động tại địa phương, chính phong cách làm việc chuyên nghiệp, thái độ phục vụ tận tâm của các bạn là tấm gương truyền cảm hứng cho các em nhỏ, nhen lên những ngọn lửa thiện nguyện.
Sâu sát để thiết kế dự án cộng đồng phù hợp
Khi đã tích lũy kinh nghiệm và cả những mối quan hệ từ các hoạt động Đoàn tại trường, chính các bạn trẻ tự mình thành lập ra các tổ chức, dự án thiện nguyện. Như trường hợp của bạn Lê Thị Việt Anh (lớp 12A7, trường THPT Thị Xã Quảng Trị) là Trưởng ban tổ chức dự án Gây quỹ đến trường cùng em. Bắt nguồn từ nhu cầu học tập cá nhân, Việt Anh đã nảy ra ý tưởng tổ chức dự án hỗ trợ trang thiết bị học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn tại trường THCS và THPT Đakrông, Quảng Trị bằng cách kêu gọi nhiều bạn trẻ đóng góp máy tính cầm tay Casio, Atlat Địa lí hoặc quà tặng hiện kim. Nhận thấy điều kiện khó khăn về kinh tế của thanh thiếu niên địa phương, mỗi lớp học chỉ có 5-7 máy tính cầm tay, nhất là các bạn lớp 12 đang cần chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia, Việt Anh đã mạnh dạn trở thành người kết nối để các bạn trẻ giúp đỡ lẫn nhau. Tất cả các máy tính Casio cũ khi nhận về, Việt Anh đều kiểm tra cẩn thận và sửa chữa, làm mới trước khi trao tận tay đến các bạn học sinh Đakrông. Máy tính và Atlat cũng được đưa vào quỹ chung của nhà trường và sử dụng cho những lứa học trò sau để ai cũng có cơ hội được học tập tốt hơn.
Thay vì kêu gọi tài trợ thông thường hay gây quỹ bằng các ý tưởng thương mại, các bạn trẻ còn sáng tạo nhiều hình thức gây quỹ mới. Lần đầu tiên tự đứng ra tổ chức đêm nhạc gây quỹ Vết nứt, tổ chức phi lợi nhuận POET của các bạn học sinh, sinh viên TPHCM đã gây quỹ thành công để hỗ trợ các em học sinh trường tiểu học Mỹ Thạnh Bắc (Long An).
Cũng tự mình tổ chức và thực hiện hoạt động thiện nguyện, nhóm bạn từ dự án Nhã Tự đã cùng nhau sáng tạo bộ thẻ bo góc môn Ngữ văn để gây quỹ cho các em nhỏ. Bạn Thượng Triều (18 tuổi, đồng sáng lập Nhã Tự) cho biết: “Định hướng ban đầu của chúng mình là dùng con chữ để mang lại hạnh phúc cho các em nhỏ. Tụi mình lên ý tưởng về một buổi gây quỹ từ thiện cho các mái ấm bằng cách bán những sản phẩm do chính nhân lực của Nhã Tự làm ra”. Lấy cảm hứng từ trào lưu sưu tập thẻ ảnh các nghệ sĩ K-Pop, Thượng Triều cùng các bạn trong tổ chức đã tạo nên bộ thẻ có hình là các nhân vật là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng trong các tác phẩm văn học thuộc chương trình phổ thông; chọn lọc kiến thức và bỏ chi phí in ấn. Số tiền thu được từ việc bán bộ thẻ được nhóm đóng góp cho Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ và Lớp học tình thương Ngọc Việt (TPHCM).
Bạn Thanh Uyên (sinh viên ĐH Huflit, Trưởng ban điều hành tổ chức POET) cho biết, trước đó POET là một tổ chức văn học với mục đích chia sẻ các kiến thức Ngữ văn cho bạn đọc. Nhưng bắt đầu từ năm nay, nhóm đã chính thức chuyển sang tổ chức thiện nguyện và hoạt động vì cộng đồng.
Anh Ngô Minh Hải, Phó bí thư Thường trực Thành Đoàn TPHCM chỉ ra đối tượng chính của hoạt động Đoàn sắp tới có cả thanh niên Gen Y, Gen Z và thiếu nhi Gen Alpha. Các thế hệ sau tư duy ngày càng cởi mở, năng động, dám nghĩ dám làm, do đó, hoạt động Đoàn, dự án thiện nguyện cần được gắn thêm mục đích đào tạo, truyền cảm hứng để dìu dắt chính những thanh thiếu niên thụ hưởng trở thành thế hệ đoàn viên xung kích kế tiếp, tự hào và bản lĩnh tiến bước dưới cờ Đoàn.
Theo TP