CHUYỂN ĐỔI SỐ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN
Còn nhiều thách thức trong chuyển đổi số ngành ngân hàng
thứ năm, ngày 16 tháng 11 năm 2023

Chuyển đổi số được xem là ưu tiên chiến lược của ngành tài chính ngân hàng, bởi ứng dụng công nghệ, tự động hóa các quy trình, dịch vụ… không chỉ mang lại trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng, mà còn giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết kiệm chi phí, nhân lực và nâng cao khả năng cạnh tranh tốt hơn trong một hệ sinh thái đang thay đổi nhanh chóng. Xoay quanh vấn đề chuyển đổi số ở các TCTD trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ đã trao đổi cùng Báo Cần Thơ một số kết quả đạt được.* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về xu hướng chuyển đổi số của các TCTD trên địa bàn thành phố hiện nay?

- Triển khai các định hướng, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thời gian qua NHNN đã rà soát, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng trên địa bàn thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, mở rộng quy mô và phạm vi (triển khai theo kế hoạch, chương trình của Hội sở chính các đơn vị), được ghi nhận bằng nhiều thành quả tích cực: Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số (thanh toán, tiền gửi, tiết kiệm…) đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến, mọi lúc mọi nơi của người dân, doanh nghiệp; thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh; Nhiều TCTD đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…

* Trên địa bàn thành phố hiện đã có một số mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, cũng là một nhánh quan trọng để số hóa ngành ngân hàng. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các mô hình này và sự hưởng ứng của người dùng qua các kênh phản hồi ra sao?

- NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng mạng lưới thanh toán, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội về dịch vụ, tiện ích ngân hàng. Phối hợp với Sở, ngành và các đơn vị có liên quan của thành phố triển khai Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 (ban hành theo Quyết định số 1279/QĐ-UBND ngày 15-6-2021 của UBND TP Cần Thơ); Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 15-4-2022 của UBND TP Cần Thơ về triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ.

Các TCTD đã đẩy mạnh phát triển các hình thức thanh toán trực tuyến, phục vụ cho giao dịch thương mại điện tử, điển hình như liên kết các trang mua bán trực tuyến Lazada, Shopee, Sendo, Tiki,… các Ví điện tử ZaloPay, MoMo… Quá trình triển khai nhận được sự hưởng ứng của khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, các TCTD cũng không ngừng nâng cao bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn giao dịch thanh toán cho các hệ thống đã liên kết.

 

Ngân hàng số hóa nhiều dịch vụ mang lại trải nghiệm, tiện ích hơn cho khách hàng (ảnh minh họa). Ảnh: T.H

 

Ngân hàng số hóa nhiều dịch vụ mang lại trải nghiệm, tiện ích hơn cho khách hàng (ảnh minh họa). Ảnh: T.H

* Ngày càng nhiều người sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị di động khác, chú trọng đến sự tiện ích di động. Vì vậy, các ngân hàng chú trọng phát triển các ứng dụng thanh toán di động, tiền gửi di động,… nhằm cung cấp cho người dùng sự tiện ích và tối ưu hóa dịch vụ. Ở TP Cần Thơ, tiềm năng phát triển của các dịch vụ này như thế nào, thưa ông?

- Các TCTD đã đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng mạng lưới thanh toán, nâng cấp các hệ thống thanh toán, nhất là thanh toán tực tuyến nhằm đáp ứng tốt nhu cầu xã hội về dịch vụ, tiện ích ngân hàng; ứng dụng các công nghệ hiện đại như thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, thực hiện các giao dịch tài chính trong “một chạm” trên nền tảng ngân hàng số bằng công nghệ đọc căn cước công dân gắn chip qua chuẩn kết nối gần, mở tài khoản trực tuyến qua công nghệ eKYC, thực hiện nộp, rút tiền mặt tại các máy ATM đa năng thông qua trải nghiệm quét khuôn mặt và vân tay… Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin cho các hoạt động nghiệp vụ đã triển khai.

Trong thời gian qua, một số đơn vị trong ngành Ngân hàng như: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank,… đã phối hợp với C06 hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ của ngân hàng thương mại như: Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; Xác thực, định danh khách hàng từ xa qua mạng Internet (eKYC) để mở tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số; Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM, thay thế thẻ ATM do ngân hàng phát hành… Một số đơn vị trên địa bàn đã triển khai các máy giao dịch tự động (CDM, CRM) như: Agribank CN Cần Thơ, Agribank Chi nhánh Cần Thơ II, BIDV, Vietcombank,…

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 411 máy ATM, được quản lý bởi 44 Chi nhánh TCTD; số lượng POS/EFTPOS/EDC là 8.255 chiếc và 6.228 đơn vị chấp nhận thẻ.

Các TCTD trên địa bàn đã thực hiện mở và quản lý tài khoản giao dịch thanh toán cho 2.154.570 người, trong đó 1.345.997 người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TP Cần Thơ.

* Trên thực tế, chuyển đổi số vẫn còn nhiều trở ngại, do hạ tầng chưa đồng bộ; vấn đề bảo mật thông tin, an toàn hệ thống… cũng làm cho cả TCTD và người dùng đều có tâm lý e ngại. Theo ông, cần các giải pháp gì để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng và đảm bảo toàn các giao dịch?

- Chuyển đổi số lấy người dân là trung tâm, là chủ thể nên cần có sự kết nối, liên kết giữa ngành Ngân hàng - cụ thể là các TCTD, trung gian thanh toán với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số (ảnh minh họa).

 

Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số (ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp và các TCTD để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.

Chuyển đổi số cũng sẽ đi liền với rủi ro về tội phạm công nghệ cao, an ninh tiền tệ ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp. Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng cần được quan tâm chú trọng, cần có sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ với đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; giữa trải nghiệm, thuận tiện khách hàng với bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên kênh số.

Cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, doanh nghiệp, để có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách thuận tiện, an toàn và phòng tránh rủi ro bị tội phạm lợi dụng, lừa đảo, đánh cắp thông tin.

* Cảm ơn ông!

GIA BẢO (thực hiện)

Các bài viết khác
Truyền hình thanh niên
HD sử dụng Sổ Chi đoàn
Lượt Truy Cập
011027984
số người truy cậpHôm nay:1
số người truy cậpHôm qua:0
số người truy cậpTuần này:1
số người truy cậpTháng này:1
số người truy cậpĐang trực tuyến:1
BACK TO TOP