Các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ tập đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số (CÐS), triển khai trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Từ đó, mang lại nhiều tiện ích cho cả chính quyền và người dân.
Đoàn viên, thanh niên Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn hướng dẫn người dân thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng.
Ô Môn là một trong những địa phương thực hiện khá hiệu quả việc CÐS. Các hoạt động hội nghị, cuộc họp trực tuyến được quận triển khai ổn định từ quận đến các phường. Việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số, phần mềm chuyên ngành… của cán bộ, công chức, viên chức trong các phòng, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp và UBND các phường được thực hiện tốt. Công chức tại Bộ phận Một cửa từ quận đến phường được bố trí máy tính, máy in phục vụ việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC); khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành từng quầy tương ứng với từng lĩnh vực khác nhau, bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết; khu vực làm việc của Bộ phận Một cửa được lắp đặt camera theo dõi, có kết nối với cơ quan cấp trên và trong toàn hệ thống; có hệ thống xếp hàng, lấy số tự động.
Quận Ô Môn còn tạo mã QR danh mục dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền tiếp nhận của UBND quận Ô Môn (tổng cộng 173 mã) nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến và thanh toán phí, lệ phí trực tuyến. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số hồ sơ phát sinh trực tuyến toàn quận là 4.613/13.403 hồ sơ, đạt tỷ lệ 34,4%. Ông Võ Anh Huy, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: “Các cơ quan, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ TTHC đảm bảo theo quy định, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các loại giấy tờ đã cung cấp ở lần thực hiện TTHC trước đó. Ðồng thời, các cơ quan giải quyết TTHC có thể tận dụng, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu với nhau. Qua triển khai thực hiện các giải pháp, sáng kiến, đã đạt được những kết quả khả quan, số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh nhiều, hiện tại đã vượt chỉ tiêu được giao năm 2023”.
Trên cơ sở lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, UBND huyện Phong Ðiền tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác CÐS các lĩnh vực ưu tiên: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp… Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 100% học sinh có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; sử dụng một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước đạt 100%; nội dung chương trình giáo dục phổ thông được khai thác kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập đạt 100%... Ở lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm OCOP trên địa bàn được đánh giá, xếp hạng; các sản phẩm tiềm năng OCOP, trái cây đặc sản của huyện được phân phối theo kênh truyền thống và cả trên các trang điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Tất cả cán bộ, công chức của xã và cán bộ ấp sử dụng ví điện tử và thanh toán lương bằng hình thức chuyển khoản qua các ứng dụng ngân hàng. Ðịa phương đưa CÐS vào một số mô hình sản xuất nông nghiệp như: tưới phun tự động, ứng dụng máy bay không người lái vào sản xuất lúa. Tại các quán cà phê, giải khát, căng tin trong khu hành chính và trên 60% quán ăn có in mã QR để khách hàng có thể thanh toán bằng ví điện tử”.
Bằng nhiều nỗ lực, công tác CÐS của huyện Phong Ðiền đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức hết tầm quan trọng cũng như lợi ích của CÐS. Ở một số ấp, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh rất ít; khả năng tiếp cận công nghệ, sử dụng dịch vụ công chưa nhiều và việc thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế. Ông Lê Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, cho biết: “Huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của CÐS nhằm thu hút, định hướng người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thực hiện CÐS. Ðồng thời, tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình giao dịch không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống và một số cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú; tiếp tục việc quét mã QR để truy cập tài liệu cuộc họp, hội nghị thay vì in và phát tài liệu bằng giấy, qua đó, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị các cuộc họp, giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định kịp thời, nhanh chóng...”.
CÐS là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực. Những chuyển biến tích cực ở các quận, huyện trong công tác này là tiền đề để thành phố thực hiện các mục tiêu tiếp theo trong hành trình CÐS…
CTO