Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhằm phổ biến và giới thiệu về Chương trình OCOP, hướng dẫn về lập hồ sơ và hoàn thiện các điều kiện cần thiết cho chủ thể OCOP; quy trình xây dựng mô hình Hợp tác xã thanh niên; hướng dẫn thủ tục đăng ký thông tin và nộp Hồ sơ trên phần mềm OCOP; hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên thực hiện dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh hướng tới những sản phẩm của thanh niên đạt tiêu chuẩn OCOP. Ban Thường vụ Thành đoàn đã triển khai các hoạt động hỗ trợ các sản phẩm đăng ký đạt chuẩn OCOP từ các mô hình của thanh niên tại các xã, phường , thị trấn trong toàn thành phố cụ thể như: hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn mác sản phẩm…; trong đó tập trung hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn tại 3 xã triển khai chương trình OCOP, cụ thể: sản phẩm Dâu tằm ngâm đường Tiến Râu và Mứt dâu tằm Tiến Râu (xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ), sản phẩm Mắm cá Bà Đầm (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai), sản phẩm Vú sữa Lò Rèn (xã Trường Long, huyện Phong Điền).
Sản phẩm Dâu tằm ngâm đường Tiến Râu và Mứt dâu tằm Tiến Râu (xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ)
Việc hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP giúp các đoàn viên, thanh niên tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến thủ tục, quy định đăng ký sản phẩm. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành đoàn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của thanh niên tại các Hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức tại trong và ngoài thành phố.
Sản phẩm Mắm Bà Đầm (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai)
Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành đoàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có các giải pháp hỗ trợ kịp thời các chủ thể là đoàn viên, thanh niên tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP ở địa phương
Huyện đoàn Phong Điền hỗ trợ sản phẩm Vú sữa Lò Rèn tại xã Trường Long
Sản phẩm Ong Nhà Trọng quận Bình Thủy
Trong thời gian tới Ban Thường vụ Thành đoàn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP của Đoàn viên, thanh niên vươn xa hơn vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử... của các tỉnh, thành phố trong cả nước./.