Chuyên đề » Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Truyền thống "Lấy dân làm gốc" của những yếu tố dân chủ ở Việt Nam, đã hình thành trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát huy trong điều kiện mới. Tiếp thu, vận dụng sáng tạo quan điểm dân chủ của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đã có nhận thức sâu sắc về vấn đề dân chủ và vai trò của việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Mặc dù, Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết riêng một tác phẩm nào bàn sâu về dân chủ, nhưng Người rất quan tâm và trong nhiều bài viết đã đề cập những ý nghĩa sâu xa khác nhau, theo hướng tiếp cận về sự phát triển tư duy dân chủ. Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chính là con người, gồm con người cá thể và con người cộng đồng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh không có người dân trừu tượng. Bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói đến người dân lịch sử, cụ thể.
Tùy theo từng thời điểm lịch sử, gắn với hoàn cảnh cụ thể, Người dùng những cụm từ khác nhau để chỉ con người, người dân và xem xét nó trong những bình diện, những chiều khác nhau của mối quan hệ xã hội. Song, bao giờ Người cũng tâm niệm: Nhân nghĩa là nhân dân, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân sâu sắc như vậy, nên mọi suy nghĩ, hành động của Người đều hướng về dân, đều nhằm đem lại lợi ích cho nhân dân lao động.
Điểm cốt lõi trong văn hóa dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: làm điều có lợi cho dân, tránh điều có hại tới dân. Triết lý dân chủ thấm nhuần tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là triết lý thân dân (gần dân, vì dân) và chính tâm (cần, kiệm, liêm, chính, chống chủ nghĩa cá nhân). Trọng dân đi liền với trọng pháp, đề cao giá trị con người và thực hiện các quyền cơ bản của con người đi liền với đề cao pháp luật và pháp quyền. Theo Người, dân chủ, thứ nhất, dân là chủ: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ"1; thứ hai, dân chủ là dân làm chủ: "Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do dân làm chủ..."2; thứ ba, dân chủ là toàn bộ quyền lực, lợi ích đều thuộc về dân: "Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của nhân dân mà làm. 
Khắp nơi có đoàn thể nhân dân, như Hội đồng nhân dân, Mặt trận, Công đoàn, Hội nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc... Những đoàn thể ấy là tổ chức của dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết nhân dân với chính phủ"3.
Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ, trong đó dân làm chủ mới có giá trị thực tế và quyết định, giá trị của dân chủ không hoàn toàn chỉ xác định vị trí là chủ của dân. Chỉ khi vị trí là chủ của dân được xác định thì vai trò làm chủ của dân mới được xác lập, tức là dân chủ qua các mặt hoạt động thực tiễn. Nói dân chủ là dân làm chủ đã bao hàm ý nghĩa dân là chủ trong đó.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân không chỉ là gốc, mà Đảng và Nhà nước phải “Lấy dân làm gốc”, “gốc có vững, cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, phải chăm sóc cho cái gốc ấy bền vững. Để dân vững mạnh, Người yêu cầu phải chăm lo, ưu tiên cho các tầng lớp nhân dân lao động. Họ là số đông, có lực lượng, có khả năng và giữ vị trí chủ yếu tạo ra của cải cho xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Do vậy, mọi lợi ích là vì dân, giải quyết vấn đề kinh tế và tài chính thế nào cho hợp lý, cho lợi dân, để tập hợp, đoàn kết Nhân dân. Có thể nói, quan điểm “Lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ý thức đạo đức đã phát triển thành ý thức chính trị, thành nguyên tắc pháp trị. Đã là nguyên tắc pháp trị thì mọi thành viên trong xã hội. Xét trên phương diện lợi ích thì dân làm gốc cũng thống nhất với dân làm chủ.
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ không chỉ là động lực chiến đấu giành lại quyền cơ bản là độc lập dân tộc, mà dân chủ còn là khát vọng vươn lên để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, tự do. Theo Người, độc lập của nước phải gắn liền với hạnh phúc, tự do của dân. Người chỉ rõ, nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc thì tự do độc lập chẳng có ý nghĩa gì. Nước độc lập do dân giành lại thì không có lý do gì dân không được làm chủ; làm chủ trong quan hệ dân - nước, trong quan hệ sở hữu.
Quan niệm dân chủ, nghĩa là dân làm chủ thể hiện được tính chủ động của chủ thể dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân phải chủ động giành lấy quyền làm chủ xã hội, đánh tan thực dân, giải phóng dân tộc, giành lại thống nhất và độc lập, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ mới.
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ là một quan niệm cô đọng, súc tích, vừa khoa học, hiện đại vừa kế thừa phát triển những hiểu biết của nhân loại về dân chủ, phản ánh đúng thực chất của dân chủ ở thời đương đại.
Cần phải khẳng định lại rằng, chiều sâu, cội nguồn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ bắt nguồn từ quan niệm đúng đắn của Người về vai trò của Nhân dân. Theo Người, dân là gốc của nước, của cách mạng: "Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong"; "Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được, Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không nên".
Bởi vậy, dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Dân chủ đối lập với quan liêu: "chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ". Người còn nói rõ, trong một nước dân chủ ai ai cũng có quyền tự do thảo luận, tranh luận để cùng tìm ra chân lý, khi chân lý đã tìm thấy rồi thì quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ cho thấy, Người coi mục tiêu phấn đấu, xây dựng chế độ mới là hướng tới Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, để phát triển sức dân, bồi dưỡng sức dân, tiết kiệm sức dân. Người tin vào sức mạnh dân chủ là sức mạnh của Nhân dân.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi tới kết luận: "thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn...". Quan niệm và thái độ đối với dân là một tiêu chí cơ bản để đánh giá giá trị của một học thuyết dân chủ. Cái đặc sắc, cái đã đưa tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt lên trên tư tưởng dân chủ của các nhà nho duy tân cùng thời, mang tầm thời đại chính ở quan điểm dân vừa là chủ vừa làm chủ.
NGUYỄN SỸ TRUNG 
Các bài viết khác
Truyền hình thanh niên
HD sử dụng Sổ Chi đoàn
Lượt Truy Cập
011046682
số người truy cậpHôm nay:1
số người truy cậpHôm qua:0
số người truy cậpTuần này:1
số người truy cậpTháng này:1
số người truy cậpĐang trực tuyến:1
BACK TO TOP