CHUYỂN ĐỔI SỐ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN
Đẩy mạnh thực hiện Hải quan số
thứ tư, ngày 08 tháng 11 năm 2023
Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Ngành Hải quan đã đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được coi là động lực và chìa khóa của tiến trình phát triển. Cùng với toàn ngành, Cục Hải quan TP Cần Thơ đã tích cực xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan, đảm bảo  đồng bộ với quá trình chuyển đổi số (CĐS) của ngành Hải quan, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

 

Cán bộ Cục Hải quan TP Cần Thơ xử lý hồ sơ trên nền tảng số.

 

Cán bộ Cục Hải quan TP Cần Thơ xử lý hồ sơ trên nền tảng số.

Ngày 22-5-2023, Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan ký Quyết định số 1105/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2023 (Quyết định số 1105), các mục tiêu chính, quan trọng trong năm 2023 là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong công tác nghiệp vụ hải quan thông qua việc triển khai xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số theo Quyết định số 2212/QĐ-BTC ngày 4-11-2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tập trung xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan, đề xuất phê duyệt chủ trương dự án số 2 thuộc Hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, Tổng cục Hải quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các văn bản pháp lý, đề án và triển khai các giải pháp kỹ thuật tạo nền tảng cho việc CĐS trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; xây dựng và triển khai các nền tảng ban đầu đáp ứng yêu cầu CĐS trong công tác quản trị nội ngành; trong đó tập trung hoàn thành việc rà soát, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ làm cơ sở cho việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong công tác quản lý nội ngành.

Thực hiện Quyết định số 1105/QĐ-TCHQ và Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 21-2-2023 của UBND TP Cần Thơ về CĐS năm 2023 trên địa bàn TP Cần Thơ, Cục Hải quan TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động CĐS năm 2023 với mục tiêu: Tiếp nhận và triển khai các nền tảng ban đầu đáp ứng yêu CĐS số trong công tác quản trị nội ngành; trong đó tập trung hoàn thành việc rà soát, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ làm cơ sở cho việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong công tác quản lý nội ngành. Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ CĐS của Tổng cục đưa ra. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của tất cả cán bộ, công chức hải quan về CĐS, ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan.

Cục Hải quan TP Cần Thơ triển khai các nhiệm vụ như công tác CĐS trong công tác nghiệp vụ hải quan; hỗ trợ và thúc đẩy CĐS của doanh nghiệp và các bên có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình CĐS của ngành Hải quan; CĐS trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai CĐS trong công tác quản lý nội ngành; hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số; rà soát, đề xuất báo cáo Tổng cục Hải quan quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ CĐS tại đơn vị; phát triển nền tảng số; phát triển cơ sở dữ liệu; bảo đảm an ninh thông tin; hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CĐS ngành Hải quan...

Đến nay, Cục đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải quan điện tử với 5E (E-Declaration, E-Payment; E-C/O, E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan. Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đã được triển khai đến 100% chi cục trực thuộc. Tính đến ngày 25-7-2023, hệ thống xử lý hơn 62.000 tờ khai xuất nhập khẩu, trong đó 77,03% tờ khai luồng xanh, 18,61% tờ khai luồng vàng và luồng đỏ chỉ 4,36%. Đáng chú ý, thời gian thông quan với tờ khai luồng xanh chỉ mất 3 giây.

Đề ra giải pháp thực hiện, theo ông Vũ Anh, Cục trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ, Cục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp một cách rộng rãi, qua nhiều kênh khác nhau, trong đó chú ý tập trung qua các cổng thông tin điện tử (Website), các mạng xã hội (Facebook, Zalo) do đơn vị quản lý, vận hành. Khuyến khích việc tăng cường tương tác giữa công chức Hải quan với người dân, doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội, các kênh thông tin phi truyền thống khác). Tăng cường gắn kết, phối hợp giữa với các cơ quan, đơn vị có chuyên môn về CNTT, an toàn thông tin; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về CNTT Hải quan. Lãnh đạo Cục trực tiếp chỉ đạo, điều hành và quản lý việc tổ chức triển khai kế hoạch CĐS theo đúng kế hoạch được phê duyệt; thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai để có các giải pháp điều chỉnh kịp thời. Người đứng đầu mỗi đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng việc gắn nhiệm vụ về ứng dụng CNTT với mục tiêu CĐS, cải cách văn hóa, phương thức làm việc và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số an toàn, hiệu quả...

Có thể nói, CĐS có vai trò  quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa hải quan, đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong Kế hoạch CĐS, ngành Hải quan đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số, với các chỉ tiêu: 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan Hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan; 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...

Đối với quản trị nội ngành, 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản... Tổng cục Hải quan cũng đặt mục tiêu phấn đấu cơ bản hoàn thành CĐS vào năm 2025, hoàn thiện mô hình hải quan thông minh trong năm 2023.

Các bài viết khác
Truyền hình thanh niên
HD sử dụng Sổ Chi đoàn
Lượt Truy Cập
011027965
số người truy cậpHôm nay:1
số người truy cậpHôm qua:0
số người truy cậpTuần này:1
số người truy cậpTháng này:1
số người truy cậpĐang trực tuyến:1
BACK TO TOP