Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản hùng ca cách mạng, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu nước, trọng nghĩa, Hồ Chí Minh sớm mang trong mình lòng yêu nước, thương dân. Tuổi học đường của Người gắn bó với những năm tháng quan trường ngắn ngủi đầy trắc trở của người cha. Người đã theo cha đến cả ba miền đất nước, biết được cuộc sống khó khăn của người dân mất nước cũng như thấy rõ hơn cuộc sống phụ thuộc, thấp hèn của giới quan chức, tay sai. Thực tiễn thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Người để rồi Người có một quyết định chính xác và táo bạo là ra đi tìm đường cứu nước. Người đã chọn phương Tây, đến nước Pháp, muốn xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ mỹ từ: Tự do, bình đẳng, bác ái của Đại cách mạng tư sản Pháp. Đây không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa chọn, trăn trở; một quyết tâm lớn, nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam.
Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. |
Nhấn mạnh về tấm gương sáng ngời chủ nghĩa yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công khẳng định: Cuộc đời Hồ Chí Minh và đức độ của Người là hiện thân của sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với phẩm chất cao quý của người cộng sản trong thời đại mới, mà biểu hiện rực rỡ nhất là tình đoàn kết quốc tế trong sáng. Hồ Chí Minh không chỉ yêu Tổ quốc và nhân dân mình, Người còn luôn mơ ước, phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp, hòa bình và hạnh phúc cho tất cả những người cùng khổ. Trái tim Người, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn dành để cống hiến cho mọi người, cho dân tộc và cho nhân loại.
Chủ nghĩa yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở những quyết định mang tính lịch sử, trong tham luận tại hội thảo, PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là con Người của lịch sử, của những quyết định lịch sử trong các bước ngoặt của tiến trình giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc trong mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa xã hội và từng bước lãnh đạo Đảng ta, dân tộc ta hiện thực hóa mục tiêu lý tưởng đó. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, tiếp tục soi sáng, dẫn dắt chúng ta tiến về phía trước để thực hiện thắng lợi mục tiêu của sự nghiệp đổi mới trên con đường xã hội chủ nghĩa - con đường thật sự đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Tinh thần yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa trong toàn dân, tạo nên sức mạnh để chiến thắng kẻ thù xâm lược, nói về vấn đề này, PGS,TS Lý Việt Quang (Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng) cho biết: Với sức mạnh đoàn kết, trước hết là khối đại đoàn kết toàn dân tộc được quy tụ và phát huy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, phát hiện thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi và với lực lượng cách mạng đã được chuẩn bị chu đáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể dân tộc vùng dậy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của một cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh-Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Nói về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn với Người sáng lập - Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khẳng định: Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, gắn liền với tên tuổi, trí tuệ, uy tín và đạo đức cách mạng, tính chủ động, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Với uy tín và trí tuệ của mình, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trở thành Người sáng lập Đảng - Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Người đã xây dựng Đảng ta theo những nguyên tắc Ðảng kiểu mới của giai cấp vô sản, lấy nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nhằm làm cho Ðảng vừa phát huy được trí tuệ, vừa tập trung thống nhất ý chí hành động của Đảng. Từ sau khi được thành lập, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ thắng lợi, lãnh đạo thành lập nước và lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trong suốt thời gian đi tìm chân lý cho dân tộc, mặc dù phải trải qua những ngày gian nan, vất vả và tiếp xúc với mọi hoàn cảnh, Bác Hồ luôn luôn thể hiện một cuộc sống khiêm tốn, giản dị. Đức tính khiêm tốn, giản dị của Người đã trở thành tác phong của toàn Đảng ta. Tác phong ấy đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng đạo đức, Đảng văn minh”.
Những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước thời gian qua luôn gắn liền với vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên; trong đó phải nhắc tới những cố gắng của họ trong việc rèn luyện phong cách làm việc mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói về vấn đề này, PGS, TS Doãn Thị Chín (Học viện Báo chí và Tuyên Truyền) cho biết: Cán bộ, đảng viên là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, là người đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng, là người tổ chức quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Đối với đội ngũ cán bộ, hiểu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho đông đảo quần chúng hiểu đúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện đúng và hiệu quả. Muốn vậy, cán bộ phải luôn sâu sát quần chúng, để học cách nói, cách viết sao cho hợp với quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ trong mọi công tác phải luôn ghi nhớ phương châm “sát quần chúng, hợp quần chúng”. Người nhấn mạnh: “Cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo… của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”.
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng giản dị và khiêm tốn, đã hòa làm một với cuộc sống của dân tộc, luôn luôn tỏa sáng trên đất nước Việt Nam và cả thế giới.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN