Gặp gỡ các nữ quân nhân tại Lễ vinh danh, tôi có dịp lắng nghe những chia sẻ của họ - “những bông hồng thép” góp phần làm rạng rỡ thêm trang sử vàng truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.

 Thượng tá Nguyễn Thị Liên.

Thượng tá Nguyễn Thị Liên (Sỹ quan CIMIC, Đội công binh số 1, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) không giấu được niềm xúc động, tự hào: “Đến dự lễ vinh danh hôm nay, tôi được nghe những câu chuyện về sự thành công và khổ luyện của các chị em. Tôi càng thấm thía rằng, con đường tới vinh quang không bao giờ trải thảm. Tôi thật xúc động khi nghe câu chuyện thành công của nữ bác sỹ nhận học hàm tiến sỹ, phó giáo sư khi tuổi đời mới 36... và còn nhiều chị em với sự đóng góp phi thường của họ trong hành trình khát vọng cống hiến. Còn đối với bản thân tôi trong lĩnh vực tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc tại  đất nước còn nhiều xung đột, bệnh tật, đói nghèo, đóng góp của tôi còn nhỏ bé nhưng trong suốt quá trình công tác tôi đã luôn thể hiện được bản lĩnh, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ và khát vọng được cống hiến cho nền hoà bình thế giới. Tôi tự hào khi được góp phần nhỏ bé của mình để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa”.

Chị Liên cho biết, sắp tới chị sẽ tham gia trong Đội công binh – tiếp tục làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại phái bộ UNISFA - Abyei ở đất nước Nam Sudan. Theo đó, chị là sỹ quan quân - dân phối hợp cho Đội công binh gìn giữ hòa bình đầu tiên của Việt Nam tại phái bộ mới. Công việc của chị sẽ là thường xuyên phối hợp với khối dân sự, quân sự và dân bản địa để có những kế hoạch, dự án cải tạo đường xá, cầu cống và các hạng mục dân sinh cho người dân bản địa cũng như phái bộ UNISFA. Đây là một công việc đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, cách thức tiếp cận cũng như công tác dân vận khéo léo để đạt những kết quả cao nhất trong quá trình kiến thiết và xây dựng. Chị cho biết sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga. 

Nói về suy nghĩ của mình, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga (Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) khiêm tốn chia sẻ: “Tôi rất vinh dự, tự hào và cảm thấy bản thân có chút may mắn. Nếu tôi không được thử sức và tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình (lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới), tôi sẽ không có cơ hội được vinh danh như hôm nay, vì những đóng góp của tôi trong 10 năm qua còn khiêm tốn so với nhiều chị em khác”.

Tiếp tục những đóng góp cho lực lượng gìn giữ hòa bình, sắp tới Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga sẽ sang Nam Sudan với cương vị là Phó Giám đốc quân sự của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4). Để chuẩn bị cho nhiệm vụ này, Trung tá Hằng Nga cho biết: “Tham gia vị trí chỉ huy trong 1 tập thể gồm 63 cán bộ, nhân viên, có nam nữ, có đủ các lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy tôi cũng chuẩn bị cho mình tinh thần luôn lạc quan, chân thành, cởi mở, biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới. Quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn với các nữ quân nhân, bởi các nữ quân nhân khi thực hiện nhiệm vụ đã phải hy sinh và chịu thiệt thòi nhiều hơn nam giới. Với những kinh nghiệm có được từ năm 2018 khi là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Chỉ huy các cấp, tôi tin tưởng rằng mình sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

 Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Thanh Hoà. 

Là một trong nhiều y bác sỹ được vinh danh tại buổi lễ, Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Thanh Hoà (Bộ môn khoa nội Thần kinh,  Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y) chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của tôi là một bác sỹ điều trị. Tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ khám và chữa bệnh tại khoa. Khoa Đột quỵ não điều trị nhiều bệnh nhân nặng, bởi vậy áp lực trong công việc là rất lớn. Có những giai đoạn khó khăn cả khoa chỉ có 2 bác sỹ thay nhau trực cách nhật, ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc, nhưng chúng tôi luôn tự động viên nhau phải cố gắng hơn nữa để làm tốt công việc”.

Ngoài công việc chuyên môn, chị dành thời gian còn lại  cho gia đình và tham gia các hoạt động thiện nguyện. Nói về cuộc sống hiện tại, chị bày tỏ: “Cảm ơn cuộc đời đã lựa chọn tôi là bác sỹ quân y, nhờ đó tôi được rèn luyện trong môi trường quân đội, cùng với nỗ lực của bản thân, tôi có một nghề nghiệp ổn định, các con ngoan ngoãn, thành đạt. Điều đó làm tôi luôn cảm thấy an nhiên, hạnh phúc và có thêm động lực để đóng góp công sức nhỏ bé cho ngành y học nước nhà”./.

 
Kiều Giang